Nếu bạn đã có chiếc nhẫn đính hôn, thì đó chính là một bước khởi đầu thuận lợi. Bạn có thể chọn nhẫn cưới để có thể đeo phối hợp cùng với nhẫn đính hôn của mình. Nếu bạn không có nhẫn đính hôn thì hãy lựa chọn chiếc nhẫn bạn có thể đeo thoải mái, dễ dàng phối hợp với những phụ kiện khác, chọn chiếc nhẫn mà bạn thấy mình có thể đeo hàng ngày, trong rất nhiều năm tới. 

Nguyên liệu của nhẫn cưới: 

Nguyên liệu thường dùng để làm nhẫn cưới là vàng tây (vàng 10k – 14k hoặc 18k) hoặc platinum. Lưu ý rằng bạn sẽ đeo chiếc nhẫn này hàng ngày trong nhiều năm, vì vậy không nên chọn bạc (dễ xước) hoặc vàng ta (quá mềm để giữ dáng nhẫn, dễ xước, móp méo)

Nhẫn cưới trơn hay nhẫn cưới đính đá:

Tất nhiên nếu bạn thích phong cách đơn giản, hoặc có công việc/sở thích đòi hỏi sự năng động với đôi tay thì nên chọn nhẫn cưới trơn, hoặc nhẫn cưới đơn giản đính thêm một viên đá chìm nhỏ. Nếu bạn thích sự lấp lánh nổi bật, thì bạn có thể chọn dòng nhẫn cưới đính đá. Lưu ý rằng cỡ tay của bạn dễ thay đổi sau khi kết hôn do bạn gái thì trải qua quá trình sinh con, bạn nam thì có thể được vợ chăm quá thế nên nếu bạn chọn nhẫn cưới đính đá thì nên chọn đính một nửa nhẫn để có thể điều chỉnh cỡ nhẫn khi cần.

Khắc chữ trên nhẫn cưới:

Bạn có thể khắc những kí tự có ý nghĩa với hai người ở ngoài hoặc trong lòng nhẫn tuy nhiên không nên quá tham nhiều chi tiết. Ví dụ: khắc vân tay, ngày cưới, ngày yêu nhau, ngày cầu hôn, tên của hai bạn…

Bản nhẫn cưới:

Bản nhẫn có thể rộng từ 1mm đến 8 + mm, đây cũng là một yếu tố quan trọng. Cô dâu thường hợp với bản nhẫn từ 2mm đến 4mm, chú rể từ 3mm đến 5mm. Không nên chọn bản nhẫn quá mỏng (1mm) vì những chiếc nhẫn bản mỏng thường hợp làm nhẫn đeo thời trang, chúng mang lại cảm giác mong manh trong khi thường bạn sẽ muốn nhẫn cưới của mình mang lại cảm giác chắc chắn. Bạn cũng không nên chọn bản nhẫn quá rộng (trên 6mm) vì nó sẽ làm bạn có cảm giác khó chịu khi đeo lâu dài đặc biệt vào mùa hè khi tay bạn to ra một chút.

Bề mặt hoàn thiện nhẫn cưới:

Thông thường nhẫn cưới sẽ có bề mặt bóng, tuy nhiên bạn nên tham khảo những lựa chọn khác ví dụ như: đánh nhám nhẹ, đánh nhám kim cương, đánh nhám pattern, hoặc hammer, chúng có thể biến những chiếc nhẫn tưởng chừng đơn điệu trở nên khác biệt, cá tính, có khi là cổ điển, vintage. Một số thiết kế nhẫn cưới của Crownhanoi sẽ thường đi kèm với “kiểu” bề mặt hoàn thiện mà nhà thiết kế của chúng tôi tin rằng phù hợp với thiết kế đó. Tuy nhiên đừng ngại sáng tạo, hãy nói cho tư vấn viên những ý tưởng và mong muốn của bạn.

Khi nào nên mua nhẫn cưới?

Bạn nên chuẩn bị nhẫn cưới 1-2 tháng trước ngày chụp hình cưới. Tránh việc mua nhẫn cưới gấp trước ngày cưới có thể mang tới cho bạn những căng thẳng và chi phí không đáng có. Quãng thời gian chuẩn bị đám cưới là thời gian căng thẳng với cả cô dâu và chú rể, và bạn biết không chiếc nhẫn cưới có một năng lực phi phàm, chúng khẳng định chủ quyền, mang lại cho bạn một năng lượng về sự cam kết mà trước đây bạn chưa từng nghĩ tới. 

Ai trả tiền nhẫn cưới?

Việc này phụ thuộc vào từng cặp đôi. Nếu tài chính không phải là vấn đề lớn đối với chú rể, thì chú rể có thể trả tiền cho cặp nhẫn cưới. Tuy nhiên nếu tài chính là vấn đề nhạy cảm, hai bạn có thể nghĩ đến việc cùng nhau chia sẻ chi phí của đám cưới (trong đó có cặp nhẫn cưới). Thường một cặp nhẫn cưới sẽ rơi vào khoảng 10-20 triệu, cặp nhẫn kim cương có thể từ 20-60 triệu. Hãy lưu ý đừng quá quan trọng thiệt hơn, ông bà ta có câu “Cơm đâu cũng gạo nhà này.” Khi bạn cho đi, có thể bạn sẽ nhận được những điều lớn lao hơn đó. Các chàng trai đừng ngại dành những gì tốt đẹp nhất có người mình yêu; còn các cô gái hãy chia sẻ với người đàn ông của mình nhé. 

Nhẫn cưới có cần phải giống nhau không?

KHÔNG. Nhẫn cưới là cái gì đó rất cá nhân và thiêng liêng. Không có quy định nào bắt buộc nhẫn cưới phải giống nhau, kể cả về kiểu dáng và chất liệu. Tìm được chiếc nhẫn mình thích, thể hiện được cá tính của mình và sự đồng điệu với chiếc nhẫn còn lại là điều quan trọng nhất. Bạn có thể tham khảo ý kiến của người thân, tuy nhiên nên nhớ rằng bạn là người sẽ “phải” đeo chiếc nhẫn đó cả đời, liệu bạn có muốn chiếc nhẫn mà bản thân bạn không thích. 

Kiểu dáng?

Một lần nữa, mình nghĩ 20-30 năm sau bạn vẫn sẽ muốn đeo chiếc nhẫn cưới của mình và vẫn là một “bà cô” thật thời trang, vì vậy hãy chọn những thiết kế đơn giản, tinh tế, vượt thời gian nhé.

Ngân sách nhẫn cưới?

Trước khi chọn mua nhẫn cưới, cô dâu chú rể nên xác định khoảng ngân sách mình sẽ dành cho nhẫn cưới ví dụ từ 10-15 triệu hoặc từ 15-20 triệu. Đừng ngại chia sẻ ngân sách này với tư vấn viên, vì họ có thể giúp bạn tìm được đôi nhẫn ưng ý lại hợp túi tiền. Ví dụ bạn thích thiết kế có giá 20 triệu 1 cặp, nhưng ngân sách của bạn là 15 triệu, đừng vội đi về, hãy chia sẻ cho tư vấn viên mong muốn đó. Họ có thể đưa ra những lựa chọn khác phù hợp với bạn hoặc đề xuất về việc điều chỉnh thiết kế.